Thành cổ Sơn Tây – Tòa thành đá ong độc đáo xứ Đoài

Thành cổ Sơn Tây là công trình kiến trúc quân sự cổ nằm giữa trung tâm thị xã được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822). Đây là một trong 20 thành được xây dựng vào triều Nguyễn nhưng chỉ có duy nhất Thành Sơn Tây được xây dựng hoàn toàn bằng đá ong.

Thành có diện tích 16 ha, xung quanh có hào nước bao bọc, tường thành được kết cấu theo lối kiến trúc Vauban (có chỗ lồi ra để đặt các pháo đài). Trên mặt thành có nhiều lỗ châu mai giúp quân lính quan sát và chiến đấu. Thành có 4 cổng quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông có tên là: cửa Hậu, cửa Tiền, cửa Hữu, cửa Tả. Trước đây bốn cửa đều có cầu gạch bắc qua hào nước, nhưng hiện nay chỉ có hai cửa chính là cửa Tiền và cửa Hậu, có cầu bắc qua hào nước, dẫn vào cổng thành. Hiện 4 cổng thành bằng đá ong còn giữ được nguyên vẻ nguyên sơ cổ kính, trên các cổng có vọng lâu và ụ súng. Theo sử sách ghi lại, ngày trước thành Sơn Tây có 5 khu: khu giữa thành là khu nghi lễ, hai ao sen hai bên, có vọng lâu cao 18 thước. Trong thành có điện Kính Thiên rộng 5 gian lợp ngói lưu ly, bên trong có 2 cột tròn làm bằng gỗ lim sơn màu cánh gián. Hai gian bên có cửa sổ tròn trang trí hình chữ Thọ.

Thành cổ Sơn Tây từng là nơi đặt cơ quan hành chính của một vùng xứ Đoài rộng lớn, bao gồm gần 1/2 diện tích của tỉnh Hà Tây cũ, tỉnh Vĩnh Phúc, một phần tỉnh Phú Thọ, huyện Sơn Dương của Tuyên Quang. Cùng với Thành Bắc Ninh, đây được coi là 2 gọng kìm lợi hại để bảo vệ Thành Hà Nội trước nguy cơ tấn công của thực dân Pháp. Bên cạnh đó Thành cổ Sơn Tây còn là biểu tượng cho truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Sơn Tây. Hưởng ứng chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi hiệu triệu, nơi đây đã diễn ra các cuộc chiến đấu ác liệt, quả cảm, anh dũng của nghĩa quân chống lại sự tấn công của giặc Pháp. Năm 1946, tại Vọng Cung đã diễn ra cuộc họp của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà để quyết định các vấn đề quan trọng mở đầu cho những thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trải qua những thăng trầm và biến cố lịch sử, nhiều công trình của thành đã bị phá hủy, tuy nhiên nó vẫn còn nguyên vẹn hình dạng và những dấu tích của mình. Vào năm 1994, Thành cổ Sơn Tây được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây, nhiều dự án tu bổ, khôi phục lại các công trình của thành đã được triển khai. Dựa vào các tư liệu cổ, các công trình như điện Kính Thiên, kỳ đài (cột cờ), tường thành bằng đá o­ng được dựng lại trên nền cũ. Nhằm giáo dục truyền thống yêu nước trong nhân dân, năm 2014 UBND thị xã phối hợp với Quân chủng PKKQ xây dựng Khu trưng bày máy bay tại di tích Thành cổ Sơn Tây với diện tích trên 4.000 m2, trưng bày 2 máy bay Mic21 từ Trung đoàn Sao Đỏ và 1 máy bay Mi8 từ Trung đoàn 916 góp phần tăng giá trị cảnh quan của khu di tích.

Thành cổ Sơn Tây không chỉ là điểm di tích lịch sử - văn hoá thu hút đông đảo du khách tham quan mà còn là công viên giải trí, được ví như lá phổi xanh nằm giữa lòng đô thị. Với diện tích 16 ha cùng một thảm thực vật phong phú, Thành cổ Sơn Tây được coi như một lá phổi khổng lồ điều tiết không khí trong lành cho cả khu vực nội thị và là nơi rèn luyện sức khoẻ, dạo chơi của người dân. Khuôn viên Thành cổ cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, sinh hoạt của thanh thiếu nhi, người cao tuổi. Thành cổ Sơn Tây đã gắn bó và trở nên thân quen với mỗi người dân Sơn Tây. Những người con quê hương chuyển đi sinh sống ở nơi khác trong những dịp nghỉ lễ, tết quay trở về thăm lại quê cũ đều không quên ghé thăm Thành cổ.

Với những giá trị lịch sử văn hóa quý báu, việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích Thành cổ Sơn Tây là hết sức cấp thiết và nhiều ý nghĩa. Mong rằng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền cùng sự chung tay bảo vệ của người dân, Thành cổ Sơn Tây sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đặt chân đến vùng đất Sơn Tây xứ Đoài giàu bản sắc văn hóa./.

Tin mới nhất